Bệnh suy giáp: Triệu chứng, Nguyên nhân & Điều trị

84

Tổng quan

Suy giáp hay suy tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém và không sản xuất đủ một số loại hormone quan trọng nhất định.

Ở giai đoạn đầu, bệnh suy giáp có thể không có triệu chứng. Khi bệnh không được điều trị và kéo dài có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng như béo phì, bệnh tim, đau khớp và vô sinh.

Bệnh suy giáp có thể chẩn đoán thông qua một số xét nghiệm chức năng tuyến giáp nhất định. Có thể điều trị suy giáp an toàn và hiệu quả thông qua việc sử dụng hormone tuyến giáp tổng hợp với liều lượng phù hợp theo khuyến nghị của bác sĩ.

benh suy giap

Triệu chứng của bệnh suy giáp

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự thiếu hụt hormone mà bệnh suy giáp sẽ có các triệu chứng khác nhau và chúng thường có xu hướng phát triển chậm.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh suy giáp bao gồm:

  • Nhịp tim chậm hơn bình thường
  • Nhạy cảm hơn với lạnh
  • Mệt mỏi
  • Táo bón
  • Da khô
  • Tăng cân
  • Sưng mặt
  • Khàn giọng
  • Yếu cơ
  • Tăng cholesterol trong máu
  • Đau cứng cơ
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Tóc mỏng đi
  • Trầm cảm
  • Suy giảm trí nhớ
  • Bướu cổ (mở rộng tuyến giáp)

Dấu hiệu suy giáp ở trẻ sơ sinh:

  • Vàng da, vàng lòng trắng của mắt
  • Lưỡi lớn và nhô ra
  • Khó thở, khóc bị khàn giọng
  • Thoát vị rốn

Khi bệnh suy giáp ở trẻ sơ sinh phát triển, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc bú, kém tăng trưởng và phát triển cùng một số tình trạng như ngủ nhiều quá mức, trương lực cơ kém, táo bón.

Suy giáp ở trẻ sơ sinh cần được điều trị ngay bởi kể cả trường hợp bệnh nhẹ cũng có thể khiến trẻ chậm phát triển cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Dấu hiệu suy giáp ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên tương tự với dấu hiệu ở những người trưởng thành.

Nguyên nhân gây bệnh suy giáp

Nguyên nhân gây ra bệnh suy giáp có thể là bệnh tự miễn, điều trị cường giáp, xạ trị, phẫu thuật tuyến giáp hoặc do sử dụng một số loại thuốc.

Khi tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết, cơ thể có thể xảy ra một số rối loạn cân bằng của các phản ứng hóa học trong cơ thể.

Tuyến giáp sản xuất ra các hormone bao gồm triidothyronine (T3) và thyroxine (T4). Đây là 2 hormone ảnh hưởng tới tất cả các khía cạnh của quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Ngoài ra, chúng cũng liên quan đến việc kiểm soát nhiệt độ cơ thể và nhịp tim.

Các nguyên nhân chính có thể dẫn tới bệnh suy giáp bao gồm:

  • Bệnh tự miễn: Viêm tuyến giáp Hashimoto là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng suy giáp.
  • Điều trị cường giáp: Bệnh cường giáp khiến cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp và thường được điều trị bằng iốt phóng xạ hoặc thuốc kháng giáp. Đôi khi quá trình này làm giảm lượng hormone tuyến giáp quá mức và dẫn tới tình trạng suy giáp vĩnh viễn.
  • Phẫu thuật tuyến giáp: Việc loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp có thể sẽ cần sử dụng hormone tuyến giáp cả đời.
  • Xạ trị: Các bức xạ được sử dụng trong điều trị ung thư vùng cổ và đầu có thể ảnh hưởng tới tuyến giáp và gây suy giáp.
  • Sử dụng một số loại thuốc: Thuốc lithium được sử dụng trong điều trị rối loạn tâm thần có thể gây suy giáp. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về ảnh hưởng của thuốc tới tình trạng bệnh của bạn.

Một số nguyên nhân khác cũng có thể gây suy giáp bao gồm thiếu hụt iốt, mang thai, bệnh bẩm sinh hoặc rối loạn tuyến yên.

Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh:

Những đối tượng dưới đây dễ có nguy cơ mắc suy giáp hơn bình thường bao gồm: Phụ nữ, người trên 60 tuổi, gia đình có người mắc bệnh tuyến giáp, mắc bệnh tự miễn như tiểu đường type 1, bệnh celiac, đã điều trị bằng iốt phóng xạ hoặc thuốc kháng giáp, từng phẫu thuật tuyến giáp, mang thai hoặc sinh con trong vòng 6 tháng…

Các biến chứng của suy giáp

Bệnh suy giáp nếu không được điều trị trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như:

  •  Các vấn đề về tim mạch: Vì suy giáp có thể khiến tăng nồng độ cholesterol LDL (cholesterol xấu) có thể làm tăng nguy cơ suy tim và các bệnh về tim mạch.
  • Các vấn đề sức khỏe tâm thần: Suy giáp có thể gây trầm cảm và làm chậm chức năng thần kinh.
  • Bướu cổ: Việc kích thích liên tục tuyến giáp để giải phongd ra nhiều hormone hơn có thể khiến gây ra tình trạng bướu cổ.
  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên: Tình trạng suy giáp kéo dài không được kiểm soát có thể gây tổn thương lên các dây thần kinh ngoại biên.
  • Myxedema: Một tình trạng hiếm gặp có thể đe dọa tính mạng. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm nhạy cảm với lạnh và buồn ngủ, sau đó có thể bị hôn mê sâu và bất tỉnh. Tình trạng này có thể được kích hoạt bởi thuốc an thần, nhiễm trùng cùng một số căng thẳng khác trên cơ thể.
  • Vô sinh: Nồng độ hormone tuyến giáp thấp có thể ngăn cản quá trình rụng trứng và làm suy giảm chức năng sinh sản.
  • Dị tật bẩm sinh: Trẻ sinh ra từ người mẹ bị suy tuyến giáp không được điều trị có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao hơn bình thường. Những đứa trẻ này cũng dễ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về phát triển trí tuệ. Tình trạng này nếu được chẩn đoán và điều trị trong vài tháng đầu đời sẽ có cơ hội phát triển một cách bình thường.

Chẩn đoán

Bác sĩ có thể kiểm tra chức năng tuyến giáp nếu xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, khô da, táo bón, tăng cân và nếu từng gặp các vấn đề về tuyến giáp hoặc biếu cổ.

Chẩn đoán suy giáp có thể dựa vào phương pháp xét nghiệm máu để đo mức TSH hoặc mức hormone thyroxine. Nếu mức thyroxine thấp và TSH cao có thể cho thấy tuyến giáp hoạt động kém.

Có một số yếu tố gây ảnh hưởng đến xét nghiệm máu để chẩn đoán vấn đề về tuyến giáp bao gồm: Thuốc làm loãng máu (heparin) và vitamin dùng như một chất bổ sung độc lập hoặc như một phần của vitamin tổng hợp (biotin).

Điều trị

Việc điều trị suy giảm bao gồm việc sử dụng hàng ngày levothyroxine hormone tuyến giáp tổng hợp (Levo-T, Synthroid). Thuốc này có công dụng khôi phục mức độ hormone đầy đủ, đảo ngược các dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp.

Điều trị bằng levothyroxine có thể phải kéo dài suốt đời nhưng cần đi khám hàng năm và thay đổi liều lượng theo yêu cầu của bác sĩ.