Tổng quan
Viễn thị (Hyperopia) là một tật khúc xạ khiến người bệnh chỉ có thể nhìn rõ những vật ở xa trong khi các vật ở gần bị mờ. Đây là một tình trạng thị lực phổ biến.
Mức độ viễn thị ảnh hưởng đến khả năng tập trung của bạn. Những người bị viễn thị nặng chỉ có thể nhìn rõ những vật ở khoảng cách rất xa, trong khi những người bị viễn thị nhẹ có thể nhìn rõ những vật ở gần hơn.
Viễn thị thường xuất hiện ngay từ khi mới sinh và có xu hướng di truyền trong gia đình. Bạn có thể dễ dàng khắc phục tình trạng này bằng kính đeo mắt hoặc kính áp tròng. Một lựa chọn điều trị khác là phẫu thuật.
Triệu chứng của bệnh viễn thị
Dấu hiệu của bệnh viễn thị bao gồm:
- Nhìn gần bị mờ, có thể cần nheo mắt để nhìn được rõ hơn
- Dễ bị mỏi mắt, bỏng rát và đau nhức trong hoặc xung quanh mắt
- Khó chịu ở mắt, đau đầu sau khi làm các công việc cần nhìn gần như đọc, viết, làm việc trên máy tính… trong một khoảng thời gian đủ lâu
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Nói chung tật viễn thị là một bệnh lý phổ biến ở người có tuổi. Nếu mức độ viễn thị của bạn khiến bạn không thể thực hiện các công việc hãy đi khám bác sĩ nhãn khoa. Họ có thể xác định mức độ viễn thị của bạn và tư vấn cho bạn các lựa chọn để giúp điều chỉnh thị lực của bạn.
Vì không phải dễ dàng nhận thấy các vấn đề với thị lực, bạn nên đi kiểm tra mắt thường xuyên.
Với người lớn:
Nếu bạn có nguy cơ cao mắc một số bệnh về mắt như bệnh tăng nhãn áp, hãy đi khám mắt từ 1 – 2 năm/lần, bắt đầu từ tuổi 40.
Nếu bạn không sử dụng kinh, không có triệu chứng nào về mắt và ít có nguy cơ mắc bệnh về mắt, hãy kiểm tra mắt vào những khoảng thời gian như sau:
- Khoảng đầu 40 tuổi
- Từ 40 – 54 tuổi: Khám 2-4 năm/lần
- Từ 55 – 64 tuổi: Kiểm tra mắt 1-3 năm/lần
- Từ 65 tuổi trở lên: 1-2 năm kiểm tra mắt một lần
Nếu bạn sử dụng kính hoặc có tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến mắt như bệnh tiểu đường, bạn cần phải kiểm tra mắt thường xuyên hơn.
Trẻ em và thanh thiếu niên:
Trẻ em cần được tầm soát các bệnh về mắt và đo thị lực các khoảng thời gian sau:
- 6 tháng tuổi
- Từ 3 năm tuổi
- Trước khi vào lớp 1 hoặc 2 năm/lần
Nguyên nhân gây bệnh viễn thị
Bệnh viễn thị thường gặp ở người từ trung niên, khi mắt bắt đầu dần bị lão hóa.
Mắt của bạn có hai phần giúp bạn nhìn thấy một hình ảnh bao gồm Giác mạc và Thủy tinh thể.
Trong một con mắt bình thường, mỗi phần tử hội tụ này có độ cong giống nhau. Giác mạc và thủy tinh thể có độ cong như vậy sẽ uốn cong ánh sáng tới để hội tụ lại hình ảnh rõ nét trực tiếp trên võng mạc (nằm phía sau mắt).
Nếu giác mạc hoặc thủy tinh thể của bạn không cong đều nhau, các tia sáng sẽ không được khúc xạ đúng cách khiến bạn mắc tật khúc xạ.
Viễn thị xảy ra khi nhãn cầu của bạn ngắn hơn bình thường hoặc giác mạc cong quá ít. Nó ngược với bệnh cận thị.
Các biến chứng của tật viễn thị
Viễn thị có thể liên quan tới một số vấn đề khác như:
- Mắt lé: Một số trẻ bị viễn thị có thể bị lé.
- Giảm chất lượng cuộc sống: Tầm nhìn hạn chế của bạn có thể giảm chất lượng cuộc sống và khiến bạn không thể thực hiện một số công việc như bạn mong muốn.
- Mỏi mắt: Viễn thị khiến bạn phải nheo mắt hoặc căng mắt để duy trì sự tập trung, điều này có thể khiến bạn bị mỏi mắt và đau đầu.
- Thiếu an toàn: Sự an toàn của bạn và những người khác có thể bị đe dọa đặc biệt nếu bạn đang lái ô tô hoặc vận hành một thiết bị.
Chẩn đoán bệnh viễn thị
Bệnh viễn thị được chẩn đoán bằng cách khám mắt cơ bản, bao gồm đánh giá khúc xạ và khám sức khỏe mắt.
Đánh giá khúc xạ xác định xem bạn có các vấn đề về thị lực như cận thị hay viễn thị, loạn thị hay lão thị hay không. Bác sĩ của bạn có thể sử dụng nhiều dụng cụ khác nhau và yêu cầu bạn nhìn qua nhiều thấu kính để kiểm tra tầm nhìn xa và cận cảnh của bạn.
Bác sĩ nhãn khoa có thể sẽ nhỏ thuốc vào mắt bạn để làm giãn đồng tử để kiểm tra sức khỏe mắt. Điều này có thể làm cho mắt của bạn nhạy cảm hơn với ánh sáng trong vài giờ sau khi kiểm tra. Việc giãn nở giúp bác sĩ có thể nhìn thấy những góc nhìn rộng hơn bên trong mắt của bạn.