Bệnh Alzheimer: Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh

397

Theo Hiệp hội Alzheimer, bệnh Alzheimer chiếm từ 60 – 80% các trường hợp sa sút về trí tuệ hiện nay. Hầu hết những người mắc bệnh này là trên 65 tuổi. Nếu sớm được chẩn đoán, người ta có thể phát hiện bệnh Alzheimer khởi phát sớm.

Bệnh Alzheimer là gì?

Bệnh Alzheimer là một dạng bệnh mất trí nhớ tiến triển, khác với thuật ngữ sa sút trí tuệ – ám chỉ các tình trạng do chấn thương não, các ảnh hưởng tiêu cực tới trí nhớ, suy nghĩ và hành vi của người bệnh.

Những tình trạng gây ra bởi bệnh Alzheimer ảnh hưởng tới sinh hoạt cá nhân hàng ngày.

Bệnh Alzheimer hiện nay vẫn chưa có cách chữa khỏi hẳn, chỉ có phương pháp điều trị làm chậm sự tiến triển của bệnh.

benh alzheimer

Một số sự thật về bệnh Alzheimer

Dù nhiều người đã nghe nói về bệnh Alzheimer nhưng không phải ai cũng biết chính xác nó là gì. Một số sự thật về bệnh Alzheimer như sau:

  • Bệnh Alzheimer là một bệnh mãn tính liên tục
  • Các triệu chứng của bệnh xuất hiện dần dần và ảnh hưởng tới não bị thoái hóa, có nghĩa là chúng gây ra sự suy giảm một cách từ từ ở não bộ
  • Không có cách chữa khỏi bệnh Alzheimer nhưng các phương pháp điều trị có thể làm chậm sự phát triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống
  • Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh Alzheimer nhưng nhóm người có nguy cơ cao là trên 65 tuổi và tiền sử có người thân từng gặp tình trạng này
  • Bệnh Alzheimer là một loại bệnh mất trí nhớ.

Các triệu chứng của bệnh Alzheimer

Mỗi người đều sẽ có những giai đoạn hay quên theo thời gian. Tuy nhiên người mắc Alzheimer thường xuất hiện một số hành vi và các triệu chứng liên tục theo thời gian. Các triệu chứng của bệnh Alzheimer bao gồm:
  • Mất trí nhớ ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày, ví dụ hay quên cuộc hẹn
  • Gặp rắc rối với các công việc quen thuộc hàng ngày
  • Khó khăn trong việc giải quyết vấn đề
  • Gặp rắc rối trong lời nói và viết chữ
  • Hay mất phương hướng về thời gian, địa điểm
  • Suy giảm khả năng phán đoán
  • Dễ thay đổi tâm trạng và tính cách
  • Dần rút khỏi bạn bè, gia đình, xã hội

Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer

Các chuyên gia vẫn chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer nhưng có thể xác định một số nguy cơ nhất định, bao gồm:

  • Tuổi tác: Hầu hết những người phát triển bệnh Alzheimer đều từ 65 tuổi trở lên.
  • Yếu tố gia đình: Nếu gia đình bạn từng có thành viên mắc bệnh Alzheimer thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn bình thường.
  • Yếu tố di truyền: Một số gen có liên quan tới bệnh Alzheimer.

Lưu ý: Các yếu tố trên chỉ làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer chứ không có nghĩa bạn chắc chắn sẽ mắc dính phải chúng.

Các giai đoạn của bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer tiến triển theo thời gian, có nghĩa các triệu chứng sẽ dần trầm trọng hơn theo thời gian.

Bệnh Alzheimer được chia thành 7 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: Không có triệu chứng nhưng có thể sớm chẩn đoán dựa trên tiền sử gia đình
  • Giai đoạn 2: Xuất hiện các triệu chứng như hay quên
  • Giai đoạn 3: Xuất hiện các suy giảm nhẹ về thể chất và tinh thần như giảm trí nhớ và khả năng tập trung, có thể dễ dàng nhận thấy nếu là người thân quen.
  • Giai đoạn 4: Thường người ta phát hiện ra người mắc bệnh Alzheimer ở giai đoạn này dù nó vẫn còn nhẹ. Ở giai đoạn này, người mắc bệnh bị suy giảm trí nhớ và khó khăn trong việc thực hiện các công việc hàng ngày.
  • Giai đoạn 5: Các triệu chứng từ trung bình tới nặng dần xuất hiện. Người bệnh cần có sự giúp đỡ từ người thân hoặc người chăm sóc riêng.
  • Giai đoạn 6: Người bệnh Alzheimer cần được giúp đỡ ngay cả với những công việc cơ bản như ăn uống hay mặc quần áo.
  • Giai đoạn 7: Giai đoạn cuối của bệnh Alzheimer, có thể khiến người bệnh mất khả năng nói và các biểu hiện trên khuôn mặt.

Điều trị

Như đã đề cập phía trên, hiện nay không có cách chữa khỏi bệnh Alzheimer mà chỉ có thể điều trị làm giảm triệu chứng và trì hoãn các giai đoạn bệnh.

Với người bệnh trong giai đoạn đầu tới trung bình, bác sĩ có thể kê các loại thuốc như donepezil (Aricept) hay rivastigmine (Exelon). Những loại thuốc này có thể giúp duy trì mức acetylcholine cao trong não của người bệnh, đây là loại chất dẫn truyền thần kinh giúp hỗ trợ trí nhớ.

Người bệnh Alzheimer mức độ trung bình tới nặng có thể phải sử dụng memantine (Namenda), đây là loại thuốc giúp ngăn chặn tác động của glutamate dư thừa. Glutamate là một chất hóa học được giải phóng với số lượng cao hơn ở người mắc bệnh Alzheimer và gây ra các tổn thương tế bào não.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị sử dụng thuốc chống trầm cảm, lo âu, thuốc chống loạn thần để điều trị các triệu chứng như phiền muộn, bồn chồn, dễ kích động, ảo giác…

Ngoài sử dụng thuốc, việc thay đổi lối sống cũng có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh Alzheimer ví dụ như việc nghỉ ngơi đầy đủ hàng ngày.

Ngăn ngừa

Không có biện pháp nào ngăn ngừa tuyệt đối được căn bệnh này, tuy nhiên các nhà nghiên cứu đang tập trung vào thói quen sống lành mạnh như một cách thức giúp ngăn ngừa suy giảm nhận thức.

Các biện pháp này bao gồm:

  • Từ bỏ thuốc lá
  • Luyện tập thể dục đều đặn
  • Rèn luyện nhận thức
  • Ăn chế độ ăn thuần thực vật
  • Tiêu thụ nhiều chất chống oxy hóa
  • Duy trì cuộc sống xã hội năng động

Một số thống kê về bệnh Alzheimer

Các số liệu thống kê xung quanh bệnh Alzheimer đang làm nản lòng khá nhiều người, cụ thể:

  • Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ sáu ở người trưởng thành Hoa Kỳ. Nó đứng thứ 5 trong số các nguyên nhân gây tử vong cho những người từ 65 tuổi trở lên.
  • Một nghiên cứu cho thấy 4,7 triệu người Mỹ trên 65 tuổi mắc bệnh Alzheimer vào năm 2010. Các nhà nghiên cứu này dự đoán rằng đến năm 2050, sẽ có 13,8 triệu người Mỹ mắc bệnh Alzheimer.
  • CDC ước tính rằng hơn 90% những người bị bệnh Alzheimer không thấy bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi họ hơn 60 tuổi.
  • Alzheimer là một căn bệnh phức tạp còn nhiều ẩn số. Điều được biết là tình trạng xấu đi theo thời gian, nhưng điều trị có thể giúp trì hoãn các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn hoặc người thân có thể mắc bệnh Alzheimer, bước đầu tiên của bạn là nói chuyện với bác sĩ nhé.