Xơ gan: Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh

361

Tổng quan

Bệnh Xơ gan (Cirrhosis) là một giai đoạn muộn của xơ hóa gan do nhiều dạng bệnh và tình trạng gan gây ra như viêm gan và nghiện rượu mãn tính.

Mỗi khi gan bị tổn thương dù cho bệnh tật, uống quá nhiều rượu hay nguyên nhân khác, nó cũng sẽ cố gắng tự phục hồi.

Trong quá trình này, mô sẹo được hình thành trên gan. Khi bệnh gan phát triển, ngày càng nhiều mô sẹo được hình thành và gây ra xơ gan. Bệnh xơ gan giai đoạn cuối nguy hiểm đến tính mạng.

Những tổn thương gan do xơ gan gây ra thường không thể phục hồi được. Nếu bệnh xơ gan được chẩn đoán sớm và điều trị nguyên nhân thì có thể hạn chế được tổn thương thêm và gan sẽ sớm phục hồi.

benh xo gan

Triệu chứng của xơ gan

Xơ gan thường không để lại dấu hiệu hoặc triệu chứng nào cho đến khi tổn thương gan bắt đầu lan rộng.

Khi các dấu hiệu và triệu chứng xảy ra, chúng có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Dễ chảy máu hoặc bầm tím
  • Ăn không ngon
  • Buồn nôn
  • Phù nề ở chân, bàn chân hoặc mắt cá chân
  • Giảm cân
  • Ngứa da
  • Vàng da hoặc vàng mắt
  • Cổ trướng
  • Các mạch máu như mạng nhện trên da
  • Lòng bàn tay đỏ
  • Giảm ham muốn tình dục, phì đại tuyến vú hoặc teo tinh hoàn.
  • Lú lẫn, buồn ngủ và nói lắp (bệnh não gan)

Khi nào đến gặp bác sĩ?

Hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn xuất hiện bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào được liệt kê ở trên.

Nguyên nhân gây bệnh xơ gan

Một loạt các bệnh và tình trạng bệnh có thể làm tổn thương gan và dẫn tới xơ gan. Một số nguyên nhân chính gây xơ gan bao gồm:

  • Lạm dụng rượu
  • Viêm gan siêu vi mãn tính (viêm gan B, C và D)
  • Bệnh gan nhiễm mỡ
  • Bệnh huyết sắc tố
  • Bệnh xơ nang
  • Đồng tích tụ trong gan (bệnh Wilson)
  • Các ống dẫn mật được hình thành kém
  • Thiếu alpha-1 antritrypsin
  • Rối loạn chuyển hóa đường di truyền (bệnh galactosemia hoặc bệnh dự trữ glycogen)
  • Rối loạn tiêu hóa di truyền (hội chứng Alagille)
  • Bệnh viêm gan tự miễn
  • Xơ gan mật nguyên phát gây phá hủy đường mật
  • Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát làm cứng và sẹo đường mật
  • Nhiễm trùng từ bệnh giang mai hoặc brucella
  • Tác dụng của các loại thuốc như methotrexate hoặc isoniazid

Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh

Một số điều kiện dưới đây làm tăng nguy cơ mắc xơ gan:

  • Uống quá nhiều rượu là nguy cơ hàng đầu dẫn tới các bệnh lý về gan
  • Thừa cân: Béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dẫn tới xơ gan như gan nhiễm mỡ.
  • Bị viêm gan siêu vi: Không phải ai bị viêm gan mãn tính cũng sẽ phát triển thành xơ gan nhưng đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu thế giới gây ra bệnh xơ gan.

Các biến chứng của xơ gan

Các biến chứng của xơ gan có thể bao gồm:

  • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Xơ gan làm chậm dòng chảy bình thường của máu qua gan, từ đó làm tăng áp lực trong tĩnh mạch đưa máu đến gan từ ruột và lá lách.
  • Sưng ở chân và bụng: Áp lực tăng lên trong tĩnh mạch cửa có thể gây phù nề ở chân và cổ trướng. Phù nề và cổ trướng cũng có thể do gan không có khả năng tạo đủ một số protein trong máu như albumin.
  • Làm to lá lách: Tăn gáp lực tĩnh mạch cửa cũng có thể gây ra các thay đổi và sưng lá lách, đồng thời mắc kẹt các tế bào bạch cầu và tiểu cầu. Việc suy giảm tế bào bạch cầu và tiểu cầu trong máu cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh xơ gan.
  • Chảy máu trong: Tăng áp lực tĩnh mạch cửa khiến cho máu được chuyển hướng đến các tĩnh mạch nhỏ hơn. Bị căng bởi áp lực tăng thêm, các tĩnh mạch nhỏ hơn này có thể vỡ ra, gây chảy máu nghiêm trọng. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa có thể gây giãn tĩnh mạch trong thực quản hoặc dạ dày và dẫn đến chảy máu trong đe dọa tới tính mạnh. Nếu gan không thể tạo ra đủ các yếu tố đông máu, điều này sẽ khiến máu tiếp tục bị chảy.
  • Nhiêm trùng: Bệnh nhân xơ gan có thể dễ bị nhiễm trùng hơn bình thường. Cổ trướng có thể ảnh hưởng đến viêm phúc mạc do vi khuẩn, một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.
  • Suy dinh dưỡng: Xơ gan khiến cơ thể khó xử lý các chất dinh dưỡng hơn dẫn tới cơ thể bị suy nhược và giảm cân.
  • Bệnh não gan: Gan bị tổn thương do xơ gan không thể đào thải các chất độc ra khỏi máu như một lá gan khỏe mạnh. Những chất độc này sau đó có thể tích tụ trong não gây ra tình trạng rối loạn tinh thần và khó tập trung. Theo thời gian, bệnh não gan có thể tiến triển đến mức cơ thể bị hôn mê.
  • Vàng da: Bệnh vàng da xảy ra khi gan bị bệnh không loại bỏ đủ bilirubin khỏi máu. Vàng da khiến da và lòng trắng của mắt bị vàng đi và nước tiểu có màu sẫm.
  • Các bệnh về xương: Một số người bị xơ gan có thể mất đi sức mạnh có xương và có nguy cơ gãy xương cao hơn.
  • Tăng nguy cơ bị ung thư gan: Một tỷ lệ lớn những người phát triển ung thư gan đã từng bị xơ gan trước đó.
  • Xơ gan cấp tính, mãn tính: Một số người bị suy đa cơ quan.

Chẩn đoán

Những người bị xơ gan giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Thông thường, xơ gan được phát hiện đầu tiên thông qua xét nghiệm máu hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Để giúp xác định chẩn đoán, việc kết hợp các xét nghiệm và kiểm tra hình ảnh sẽ được thực hiện.

  • Các xét nghiệm: Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu của gan tổn thương như bilirubin dư thừa cùng một số enzym có thể cho thấy điều đó.

Dựa trên kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân cơ bản của bệnh xơ gan. Họ cũng có thể sử dụng xét nghiệm máu để giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh xơ gan.

  • Các xét nghiệm hình ảnh: Có thể đề nghị đo đàn hồi cộng hưởng từ (MRE). Xét nghiệm hình ảnh nâng cao không xâm lấn này phát hiện độ cứng của gan. Các xét nghiệm hình ảnh khác như MRI, CT và siêu âm cũng có thể được thực hiện.
  • Sinh thiết: Không nhất thiết phải lấy mẫu mô để chẩn đoán. Tuy nhiên bác sĩ có thể sử dụng nó để xác định mức độ nghiêm trọng, nguyên nhân của tổn thương gan.

Với bệnh nhân được chẩn đoán mắc xơ gan, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm chẩn đoán thường xuyên để theo dõi các dấu hiệu tiến triển hoặc biến chứng của bệnh, đặc biệt là giãn tĩnh mạch thực quản và ung thư gan.

Các xét nghiệm không xâm lấn đang là lựa chọn hàng đầu.

Các biện pháp khắc phục tại nhà

Nếu bạn bị xơ gan, hãy cẩn thận để hạn chế tổn thương thêm ở gan:

  • Không uống rượu: Dù xơ gan do rượu hay một bệnh khác thì việc tiếp tục sử dụng rượu khiến gan có thể bị tổn thương thêm.
  • Hạn chế muối trong thức ăn: Lượng muối dư thừa có thể khiến cơ thể giữa nước, làm tăng tình trạng sưng tấy ở bụng và chân. Sử dụng các loại thảo mộc để làm gia vị cho món ăn thay vì dùng muối và lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn có ít muối.
  • Ăn theo chế độ lành mạnh: Những người bị xơ gan có thể bị suy dinh dưỡng. Hãy ăn uống lành mạnh với nhiều thực vật như trái cây, rau củ. Lựa chọn protein từ đậu, thịt gia cầm hoặc cá. Tránh ăn hải sản sống.
  • Tránh các nhiễm trùng: Xơ gan có thể khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn. Hãy tự bảo vệ bản thân bằng cách tránh những người bị bệnh và thường xuyên rửa tay sạch sẽ. Tiêm phòng viêm gan A và B, cúm, viêm phổi.
  • Sử dụng các loại thuốc không kê đơn cẩn thận: Xơ gan làm cho gan khó hấp thụ thuốc. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào kể cả các loại không kê đơn. Tránh các loại thuốc như aspirin và ibuprofen (Advil, Motrin IB). Nếu bị tổn thương gan, bác sĩ có thể khuyên tránh sử dụng acetaminophen (Tylenol) hoặc dùng với liều lượng thấp để giảm đau.

Phòng ngừa bệnh xơ gan

Giảm nguy cơ xơ gan bằng cách thực hiện các bước sau để chăm sóc gan của bạn:

  • Không uống rượu
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh: Lựa chọn chế độ ăn uống giàu dưỡng chất, nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và các loại protein nạc, giảm lượng béo và hạn chế ăn đồ chiên rán.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Một lượng chất béo dư thừa trong cơ thể có thể làm hỏng gan.
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan: Không dùng chung kim tiêm và quan hệ tình dục an toàn sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm gan B và C. Hãy tiêm phòng đầy đủ các bệnh viêm gan.

Nếu cảm thấy lo lắng về nguy cơ bị xơ gan, hãy đi khám bác sĩ ngay và nhận lời khuyên từ họ để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhất có thể.