Tổng quan
Viêm phổi là một bệnh lý do nhiễm trùng ở một hoặc cả hai lá phổi. Nguyên nhân chính gây ra viêm phổi là vi khuẩn, các loại virus và nấm.
Nhiễm trùng gây viêm trong túi khí ở phổi và nó được gọi là phế nang. Các phế lang nếu chứa đầy chất lỏng hay mủ sẽ gây khó thở.
Hãy tham khảo toàn bộ những điều quan trọng dưới đây về viêm phổi để phòng tránh hoặc điều trị nhé.
Viêm phổi có lây lan không?
Viêm phổi là do các vi trùng, virus gây nên, mà chúng đều thuộc dễ lây nhiễm. Điều đó có nghĩa là viêm phổi có thể lây từ người sang người.

Cả viêm phổi do vi rút hay vi khuẩn đều có thể lây từ người này sang người khác thông qua việc hít phải các giọt nước trong không khí khi hắt hơi hoặc ho (bạn biết vì sao nên đeo khẩu trang khi ra ngoài rồi đó).
Ngoài ra, viêm phổi cũng có thể lây lan khi tiếp xúc với các bề mặt hoặc vật thể bị nhiễm vi khuẩn hay vi rút gây viêm phổi.
Viêm phổi cũng có thể mắc phải do nấm từ môi trường, tuy nhiên nó lại không lây từ người sang người.
Triệu chứng của bệnh viêm phổi
Bệnh viêm phổi gây ra rất nhiều các triệu chứng khác nhau, từ nhẹ tới nặng và chúng có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Các triệu chứng của bệnh viêm phổi bao gồm:
- Ho ra đờm (hoặc chất nhầy)
- Sốt
- Đổ mồ hôi hoặc cảm giác ớn lạnh
- Khó thở
- Những cơn đau ngực khi thở hoặc ho
- Người mệt mỏi
- Ăn không ngon
- Hay buồn nôn và dễ nôn mửa
- Đau đầu
Nhiều người thường hay nói đùa rằng nếu bị đau đầu, chóng mặt đừng bao giờ lên mạng tìm lý do bởi kiểu gì cũng ra bệnh ung thư. Tuy nhiên các bạn lại không biết rằng rất nhiều loại bệnh có các triệu chứng tương tự nhau.
Một số triệu chứng khác của bệnh viêm phổi có thể thay đổi theo từng độ tuổi cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh, đó là:
- Trẻ em dưới 5 tuổi có thể thở gấp hoặc thở khò khè
- Trẻ sơ sinh có thể không có triệu chứng nhưng đôi khi các bé sẽ bị nôn, thiếu năng lượng, gặp khó trong việc ăn uống
- Người già có thể có các triệu chứng nhẹ hơn, hay nhầm lẫn, nhiệt độ cơ thể thấp hơn người bình thường
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi
Các nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm phổi đó là do vi khuẩn, do virus hoặc nấm.
Viêm phổi do vi khuẩn
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm phổi do vi khuẩn là do nhiễm phải vi khuẩn Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn).
Các loại vi khuẩn khác ít mắc phải hơn bao gồm:
- Viêm phổi do nhiễm khuẩn hô hấp Mycoplasma;
- Vi khuẩn Haemophilusenzae
- Vi khuẩn Legionella pneumophila
Viêm phổi do nhiễm virus
Các loại virus hô hấp thường là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm phổi. Một số loại virus nguy hiểm gây bệnh như:
- Virus gây cảm cúm
- Virus hợp bào đường hô hấp RSV (Respiratory Syncytial Virus)
- Rhinovirus gây bệnh cảm lạnh thông thường
Bệnh viêm phổi do virus thường nhẹ và có thể tự khỏi sau 1 đến 3 tuần không cần chữa trị.
Viêm phổi do nấm
Một số nấm từ đất hoặc phân chim có thể gây viêm phổi. Viêm phổi do nấm thường xảy ra với những người có hệ miễn dịch yếu.
Một số loại nấm gây viêm phổi ở người bao gồm:
- Nhiễm trùng bào tử Pneumocystis Jirovecii
- Nấm hạt men Cryptococcus neoformans (thường có trong phân chim)
- Nhiễm nấm Histoplasma (thường có trong đất)
Các nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh viêm phổi
Bất kể ai cũng đều có thể bị viêm phổi, tuy nhiên vẫn có những nhóm người hoặc các yếu tố nâng cao nguy cơ mắc viêm phổi, cụ thể nhóm người đó là:
- Trẻ sơ sinh tới trẻ nhỏ dưới 2 tuổi
- Người già trên 65 tuổi
- Những người có hệ miễn dịch yếu do bệnh hoặc sử dụng các loại thuốc như steroid hay thuốc ung thư
- Những người mắc một số bệnh mãn tính như hen suyễn, u xơ nang, tiểu đường hoặc suy tim
- Những người trong thời gian gần mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh hay cảm cúm
- Những người trong thời gian gần đang nhập viện và đặc biệt là những người phải thở máy
- Những người bị đột quỵ, gặp vấn đề về nuốt hoặc đang trong tình trạng bất động
- Những người hút thuốc hoặc uống rượu nhiều
- Những người tiếp xúc với các chất kích thích phổi như ô nhiễm khói bụi và một số loại hóa chất
Các loại bệnh viêm phổi
Các bệnh viêm phổi được phân loại dựa theo nơi hoặc cách mà bệnh nhân mắc phải, bao gồm:
- Viêm phổi mắc phải tại bệnh viện HAP (Hospital – acquired pneumonia): Loại viêm phổi nhiễm vi khuẩn mắc phải trong thời gian nằm viện. Nó có thể nghiêm trọng hơn các loại viêm phổi khác bởi các vi khuẩn này có thể có tính kháng kháng sinh nhiều hơn.
- Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng CAP (Community – acquired pneumonia): Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng là loại viêm phổi phổ biến nhất, là loại viêm phổi mắc phải khi ở bên ngoài bệnh viện hay các cơ sở chăm sóc y tế khác.
- Viêm phổi mắc phải do liên quan đến máy thở VAP (Ventilator – associated pneumonia): Những người mắc phải bệnh viêm phổi khi sử dụng máy thở chung với những người từng mắc viêm phổi.
Phòng tránh bệnh viêm phổi
Chúng ta không thể phòng tránh hoàn toàn bệnh viêm phổi, tuy nhiên vẫn có thể ngăn ngừa và giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc phải với các biện pháp dưới đây:
Tiêm phòng
Sử dụng vắc xin chính là biện pháp đầu tiên chống lại bệnh viêm phổi. Một số loại vắc xin có thể giúp ngăn ngừa viêm phổi như tại Việt Nam là vắc xin PCV 10 (Synflorix) ngừa 10 chủng vi khuẩn phế cầu khác nhau.
Bên cạnh đó còn một số loại vắc xin khác được sử dụng trên thế giới như:
Prevnar 13 và Pneumovax 23
Hai loại vắc xin viêm phổi này giúp bảo vệ cơ thể, chống lại viêm phổi và bệnh viêm màng não do vi khuẩn phế cầu gây ra.
Prevenar 13 có hiệu quả chống lại 13 loại vi khuẩn phế cầu. Loại vắc xin này khuyến cáo được sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi và người trong độ tuổi 2-64 tuổi mắc các bệnh mãn tính làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi.
Pneumovax 23 có hiệu quả chống lại 23 loại vi khuẩn phế cầu, loại vắc xin này được khuyến cáo sử dụng cho người già trên 65 tuổi, người hút thuốc từ 19 tới 64 tuổi và người trong độ tuổi 2-64 tuổi mắc các bệnh mãn tính làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi.
Vắc xin cảm cúm
Viêm phổi là một trong những biến chứng của bệnh cúm, chính vì vậy, hãy tiêm phòng cúm hàng năm nhé.
Vắc xin cúm khuyến cáo sử dụng cho trẻ trên 6 tháng tuổi và người bình thường.
Vắc xin Hib
Loại vắc xin này giúp chúng ta chống lại vi khuẩn Haemophilusenzae loại b, loại vi khuẩn gây viêm phổi và viêm màng não.
Vắc xin này được đề xuất sử dụng cho trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ em lớn tuổi chưa được tiêm chủng hoặc người lớn có tình trạng sức khỏe ổn định và những người đã được ghép tủy xương.
Các bạn lưu ý rằng vắc xin viêm phổi sẽ không ngăn ngừa hoàn toàn tất cả các trường hợp gây viêm phổi nhưng nó sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc viêm phổi, nhanh khỏi cũng như ít nguy cơ biến chứng.
Một số biện pháp phòng ngừa khác
Ngoài tiêm phòng thì bạn cũng có thể chủ động hơn trong việc phòng ngừa bệnh viêm phổi bằng các thói quen tốt dưới đây:
- Bỏ thuốc lá nếu bạn đang là một con nghiện (không hề dễ dàng nhưng bạn nên biết các tác hại của thuốc lá thì hơn), thuốc lá hiện nay cũng đang là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi và các nhiễm trùng đường hô hấp khác. Bên cạnh đó, nếu bạn hút thuốc lá thì những người thân của bạn, những người bên cạnh bạn mới là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất, nhiều hơn cả người hút là bạn đó.
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch;
- Che miệng khi hắt hơi và ho, hãy rửa tay hoặc lau tay sạch sẽ bằng giấy và vứt chúng đi ngay;
- Xây dựng chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục thể thao.
- Khi ra ngoài nhớ đeo khẩu trang nhé;
Kết hợp với tiêm phòng, bạn sẽ hầu như đẩy lùi nguy cơ mắc viêm phổi rồi đó!